143 lượt xem

Nguyên nhân và cách phòng tránh suy nhược cơ thể

nguyen nhan suy nhuoc co the

Suy nhược cơ thể là tình trạng khá phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Suy nhược cơ thể có thể là biểu hiện hoặc dấu hiệu nhận biết một bệnh nào đó. Đôi khi suy nhược cơ thể là do sự thiết hụt dinh dưỡng hoặc nghỉ ngơi chưa đủ. Hãy cùng Y Học Vũng Tàu tìm hiểu về nguyên nhân và cách phòng tránh suy nhược cơ thể nhé!

Tìm hiểu về suy nhược cơ thể

Suy nhược cơ thể (Asthenia) là một thuật ngữ y tế mô tả tình trạng người bệnh bị mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần. Đây là triệu chứng mệt mỏi toàn thân, thời gian mắc bệnh có thể kéo dài ít nhất 6 tháng. Suy nhược cơ thể xảy ra mọi lứa tuổi ở nam và nữ, trong đó độ tuổi từ 20 – 40 có nguy cơ cao nhất, theo nghiên cứu, phụ nữ thường bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới. Suy nhược cơ thể còn làm hệ miễn dịch suy yếu, người bệnh dễ mắc bệnh hoặc làm nặng thêm các bệnh đang mắc phải.

suy-nhuoc-co-the

Suy nhược cơ thể thường xảy ra tạm thời do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên trong một số trường hợp đó là dấu hiệu phổ biến của nhiều tình trạng bệnh lý cấp tính và mãn tính khác nhau. Hoặc cơ thể suy nhược cũng có thể xuất hiện bởi chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, làm việc nặng quá sức hay tác dụng phụ của một số loại thuốc gây ra.

Suy nhược cơ thể nếu không được khắc phục kịp thời, bệnh có thể nặng lên và xuất hiện thêm nhiều triệu chứng như sợ hãi vô cớ, sống khép kín, không muốn tiếp xúc với người khác, kèm theo ác mộng về đêm khiến người bệnh không thể ngủ được hoặc khó ngủ. Từ đó, dẫn đến những hệ luỵ như tư duy kém, khó tập trung tư tưởng, hay quên, phản xạ thần kinh chậm lại, cử chỉ hành vi đôi khi không chính xác,…

Dấu hiệu suy nhược cơ thể

Suy nhược từng vùng

Đây là tình trạng suy nhược xảy ra ở một số bộ phận trên cơ thể như các chi, lưng hoặc vai. Nó không giống như tê hay yếu liệt hoàn toàn, mà vùng suy nhược bị suy giảm khả năng vận động, cử động. Một người bị suy nhược từng vùng có thể cảm thấy như họ phải nỗ lực rất nhiều để di chuyển vùng cơ thể đó.

Ngoài ra, khi một hay nhiều bộ phận cơ thể bị suy yếu thì chúng cũng có thể biểu hiện qua các dấu hiệu khác như:

  • Co thắt cơ
  • Chuột rút
  • Run rẩy không kiểm soát được
  • Chuyển động chậm chạp hơn bình thường

Suy nhược toàn thân

Đây là tình trạng suy nhược ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Một người bị suy nhược toàn thân có thể cảm thấy toàn bộ cơ thể mệt mỏi hoặc mệt mỏi cực độ, thiếu năng lượng, uể oải, buồn chán.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể xảy ra của tình trạng này bao gồm:

  • Sốt hoặc các triệu chứng giống như mắc bệnh cúm
  • Đau nhức toàn thân
  • Cơ thể luôn trong trạng thái uể oải, khó chịu
  • Không thể thực hiện các công việc hàng ngày

Nguyên nhân gây ra suy nhược cơ thể

Tình trạng sức khỏe cơ bản

  • Mất cân bằng dinh dưỡng như thiếu hụt các vi chất, đạm, sắt, kẽm, vitamin B12, vitamin D,…
  • Thường xuyên mất ngủ, khó ngủ, ngưng thở khi ngủ
  • Bệnh Parkinson (rối loạn vận động thoái hóa thần kinh)
  • Hội chứng mệt mỏi, đau mãn tính
  • Nhiễm trùng
  • Bệnh phổi
  • Bệnh đa xơ cứng
  • Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
  • Mắc các bệnh nền mạn tính như bệnh tim mạch, đột quỵ
  • Chứng loạn dưỡng cơ và các rối loạn cơ xương khác
  • Thiếu máu và các bệnh về máu khác
  • Bệnh tiểu đường
  • Trầm cảm hoặc rối loạn lo âu
  • Bệnh viêm ruột (IBD) như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng

Do tác dụng phụ của thuốc

  • Thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu
  • Thuốc hóa trị
  • Thuốc phiện
  • Thuốc điều trị cao huyết áp
  • Thuốc dùng để kiểm soát cholesterol trong máu cao

Quá trình lão hóa tự nhiên

Lão hóa có thể gây ra tình trạng thiểu cơ, mất dần mô cơ và sức mạnh, ăn uống kém, hấp thu dinh dưỡng kém,… Điều này cũng có khả năng dẫn đến suy nhược hoặc mệt mỏi.

chua-suy-nhuoc-co-the-vung-tau

Những đối tượng có nguy cơ cao bị suy nhược cơ thể

Nguy cơ suy nhược cơ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: tuổi tác, lối sống, tình trạng sức khỏe, bệnh lý, chế độ dinh dưỡng và môi trường sống.

Suy nhược cơ thể ở người già

Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị suy nhược cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây ra suy nhược ở người già, bao gồm: sức khỏe kém, ăn uống và hấp thu dưỡng chất yếu, mất khả năng vận động, cảm giác cô đơn và lo lắng.

Suy nhược cơ thể ở trẻ em

Trẻ bị suy nhược cơ thể là một vấn đề nghiêm trọng cần đặc biệt chú ý bởi tình trạng này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển tổng thể của trẻ. Xây dựng môi trường sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tạo điều kiện vận động thường xuyên, điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan (nếu có) sẽ có thể giúp trẻ vượt qua suy nhược.

Suy nhược cơ thể ở người đang mang thai

Đối với phụ nữ mang thai, suy nhược là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Trong quá trình mang thai, cơ thể của người phụ nữ phải chịu nhiều sự thay đổi về sinh lý và hormone, điều này có thể làm tăng nguy cơ bị suy nhược. Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho thai phụ và thai nhi, phải duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ giấc và hạn chế căng thẳng, thường xuyên thăm khám thai định kỳ để nhận kiểm tra và tư vấn chuyên môn.

Các cấp độ suy nhược cơ thể

Suy nhược cơ thể cấp độ 1

Đây là cấp độ suy nhược nhẹ, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi và không có năng lượng cho các hoạt động bình thường mỗi ngày.

Suy nhược cơ thể cấp độ 2

Suy nhược ở cấp độ 2 nghiêm trọng hơn, với các triệu chứng mệt mỏi kéo dài, suy yếu rõ rệt và thậm chí không đủ khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Phương pháp điều trị suy nhược cơ thể

Một số cách điều trị suy nhược cơ thể có thể bao gồm:

  • Chữa bệnh cấp tính: Ví dụ, chứng suy nhược phát triển do nhiễm vi khuẩn sẽ biến mất sau khi bệnh nhân hoàn thành một đợt điều trị bằng kháng sinh.
  • Chữa bệnh mạn tính: Một số tình trạng bệnh mạn tính cần được điều trị lâu dài. Ví dụ, người mắc bệnh đa xơ cứng sẽ được phục hồi chức năng liên tục, hỗ trợ về mặt tinh thần và dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng.
  • Suy nhược do mất nước: Nếu có các triệu chứng mất nước nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải điều trị tại bệnh viện như truyền dịch qua đường truyền tĩnh mạch (IV), dùng thuốc tăng huyết áp,… tình trạng suy nhược sẽ giảm dần.
  • Suy nhược do thiếu máu: Nếu suy nhược là do thiếu máu, cần bổ sung sắt nếu thiếu máu do nguyên nhân thiếu sắt. Cân nhắc truyền máu nếu tình trạng thiếu máu quá trầm trọng, phương pháp điều trị này bao gồm việc nhận máu của người hiến tặng thông qua đường truyền tĩnh mạch.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Bệnh nhân bị suy nhược do tác dụng phụ của một số loại thuốc cụ thể, bác sĩ sẽ cho giảm liều hoặc thay thế thuốc khác.
  • Suy nhược do ung thư: Nếu ung thư là nguyên nhân khiến cơ thể bị suy nhược, bác sĩ sẽ thảo luận về các lựa chọn điều trị. Các lựa chọn bao gồm hóa trị, điều trị bức xạ hoặc phẫu thuật. Lưu ý, hóa trị và các phương pháp điều trị ung thư khác cũng có khả năng gây suy nhược.

Nếu suy nhược do cảm lạnh hoặc cúm, việc điều trị có thể không thật sự cần thiết. Trong những trường hợp như vậy, suy nhược thường là do cơ thể đang đối phó với cuộc chiến chống lại virus hoặc vi khuẩn nên sẽ tự phục hồi sau một thời gian nghỉ ngơi.

nguyen nhan suy nhuoc co the

Hướng dẫn phòng ngừa suy nhược cơ thể

Cách hiệu quả nhất để phòng ngừa suy nhược cơ thể là ngăn chặn, điều trị phòng ngừa các nguyên nhân cơ bản gây ra suy nhược. Trong đó, duy trì lối sống khoa học có thể giúp làm giảm đáng kể nguy cơ suy nhược cơ thể hoặc mắc các bệnh mạn tính có khả năng gây suy nhược:

  • Uống nhiều nước, bổ sung thực phẩm cân bằng dinh dưỡng
  • Ngủ đủ giấc, điều trị rối loạn giấc ngủ
  • Tránh căng thẳng và lo âu, điều trị tâm lý
  • Giảm lượng caffeine và bia rượu
  • Ngừng hút thuốc
  • Tập thể dục, hoạt động thể chất thường xuyên
  • Giảm cân nếu cần thiết

Người suy nhược cơ thể nên làm gì?

Khi một người cảm thấy suy nhược cơ thể, việc chăm sóc bản thân nên là ưu tiên hàng đầu.

  • Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hoặc yoga cũng giúp cải thiện sức khỏe và không gây căng thẳng quá mức cho cơ thể.
  • Sinh hoạt lành mạnh, tập trung vào việc tiêu thụ rau củ, hoa quả tươi, các loại hạt và ngũ cốc nguyên cám.
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm, nếu cần, hãy cân nhắc thêm giấc ngủ ngắn trong ngày để nạp năng lượng.
  • Tránh xa rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác có thể khiến sức khỏe trở nên tệ hơn.
  • Nếu tình trạng mệt mỏi vẫn tiếp tục kéo dài, người bệnh cần đi khám để có hướng điều trị phù hợp.

Nguồn: Tổng hợp internet

Tham khảo tham nhiều kiến thức